Tôi đã đẾn vỚi
toán hỌc
như thẾ nào?
Nguyễn Hùng Sơn, GS TSKH Đại học
tổng hợp Warsaw, Poland
Nhân dịp
kỷ niệm 40 năm Việt nam tham gia Olympic Toán quốc tế
tôi được đề nghị viết một bài báo để
chia sẻ về kinh nghiệm của mình. Nghĩ
mãi mà không biết viết gì vì thực
ra, không giống như nhiều bạn trong đại gia
đình Olympic, tôi không phải là thần đồng
gì cả và tôi đến với các kì thi học
sinh giỏi Toán tương đối muộn. Phần lớn
các thành viên trong đội tuyển quốc gia đều
là những học sinh suất sắc từ bé,
đã từng nhiều lần đạt giải trong các cuộc
thi học sinh giỏi cấp tỉnh hoặc quốc gia
dành cho các học sinh cấp I, cấp II rồi cấp
III. Nhưng tôi mãi đến năm lớp 12 mới bắt đầu
có những thành tích đầu tiên. Trước đó tôi
liên tục thất bại ở các cuộc thi Toán.
Sau một
tuần suy nghĩ tôi thấy có thể câu chuyện về
quá trình tiến bộ của bản thân từ một
học sinh cá biệt trở thành một thành
viên của đội tuyển quốc gia và đạt
HCB tại IMO 1986 sẽ là một câu chuyện thú vị.
Cũng nhân cơ hội này tôi xin khoe một chút về
tập thể lớp chuyên toán niên khóa 1983-1986 cũng
như ôn lại một quá khứ oanh liệt của khối
chuyên tỉnh QN-ĐN trong những năm 1983-1986 với 5 giải
Toán quốc tế và 2 giải Vật lý quốc tế.
Hy vọng những trải nghiệm của tôi sẽ
là một nguồn động viên tạo động lực
giúp các em học sinh tự tin hơn trong con đường
chinh phục đỉnh cao toán học.
Tôi
sinh ra ở Hà Nội. Sau ngày đất nước
thống nhất (tháng 10 năm 1975)
ba tôi đưa cả gia đình vào Đà nẵng
để thực hiện nhiệm vụ tiếp quản
đường sắt miền Trung. Năm đó tôi mới 6 tuổi
nên toàn bộ cuộc đời học sinh của
tôi đều gắn liền với thành phố xinh đẹp
bên bờ sông Hàn này.
Lần
đầu tiên tôi biết mùi thất bại là
năm tôi học lớp 8. Đó là năm học 1981-1982.
Năm đó
sở Giáo dục tỉnh Quảng Nam Đà Nẵng
đã ra quyết định thành lập thí điểm 3 lớp
chuyên cấp III (lớp 10 chuyên Toán, lớp 10
chuyên Văn và lớp 10 chuyên Anh) và 2 lớp
chuyên cấp II (lớp 8 chuyên toán và lớp 8
chuyên Văn). Để tuyển các học sinh ưu tú nhất
vào các lớp chuyên Sở giáo dục đã tổ
chức 2 vòng thi tuyển. Vòng 1 thi tại trường
để chọn ra một vài đại diện của
trường đi thi toàn tỉnh. Năm đó bạn Thanh Nga,
Trung và tôi được đại diện trường PTCS
Nguyễn Huệ đi thi. Lúc ra khỏi phòng thi, hỏi
các bạn cùng thì tôi thấy mình làm
được cùng số bài như Trung và nhiều
hơn Thanh Nga 1 bài. Tuy nhiên một tuần sau khi
thi thì tôi nhận được tin sét đánh: do năm lớp 7
tôi bị xét hạnh kiểm vào loại “trung
bình” nên tôi sẽ không đủ tiêu chuẩn để
được nhận vào lớp chuyên (không phụ
thuộc vào điểm thi).
Xin kể
thêm về lý do tôi bị hạnh kiểm trung bình.
Năm tôi học lớp 7 thì ba tôi được điều ra
Hà nội học lớp
Quản trị kinh doanh để chuẩn bi lên làm
lãnh đạo ngành đường sắt, mẹ tôi
thì lại rất hiền nên năm đó tôi được
sổ lồng. Hồi đó tôi học khá các Môn Toán, Vật lý
và tiếng Nga, nhưng lại rất nghịch ngợm
và bướng bỉnh. Tôi đứng đầu “phe đối
lập” ở trong lớp để chống lại cô giáo chủ
nhiệm và các cán bộ lớp. Trong phe của tôi có
toàn các bạn lớn hơn một hai tuổi vì
họ là các học sinh cá biệt và bị đúp. Có
lần tôi chơi dại trêu chọc một bạn tổ
trưởng và bêu riếu khuyết tật bẩm
sinh của bố bạn ấy (rất xin lỗi Kim Chi,
bây giờ nghĩ lại vẫn còn thấy hổ thẹn),
bạn ấy đã gọi anh trai và mấy anh học
lớp 9 xuống “trị tội” tên nghịch đồ.
Nhưng khi vừa đến gần tôi thì đã có 2 anh
bạn đầu gấu nhất lớp xông ra bảo vệ
và kết quả là 3 thằng lớp 7 đã
đánh nhau tay đôi với 3 anh lớp 9 giữa sân trường
và đã bị bắt lên phòng hội đồng.
Một lần khác trong giờ ra chơi tôi khoác vai 2 ông bạn
„đầu gấu” tiến đến sau lưng cô giáo dạy Vật
lý và đã “đá vào mông cô giáo” với 1 suy nghĩ
đơn giản là cô sẽ không chứng minh được
là tôi chứ không phải 2 bạn kia là thủ phạm.
Một trò tiêu khiển khác của tôi hồi đó
là làm thế nào nhẹ nhàng ra vào
lớp qua đường cửa sổ trong lúc cô giáo giảng
bài mà cô không biết. Nhiều hôm, sau khi „vượt
ngục” thành công, tôi trốn trường đi tắm ở
bãi biển Thanh bình ở cuối đường Ông
Ích Khiêm và đợi đến cuối giờ khi quần
đùi đã khô mới quay về lớp và xách cặp
ra về. Không may cho tôi là
tất cả các trò của tôi đều bị các cán bộ
lớp báo cáo một cách đầy đủ và chi tiết với
cô chủ nhiệm. Có lẽ cô chủ nhiệm nể ba tôi
là trưởng ban phụ huynh của trường
và cũng không hỏi han các bác hàng xóm về các tội
danh khác của tôi lúc ở nhà (như trèo mái
nhà, ăn trộm hoa quả hoặc bắt chước đại
úy Đi-a-nốp trong phim „Trên từng cây số” tập nhảy
tàu ở Ga Đà Nẵng trong lúc tàu chạy)
nên mới không cho tôi hạnh kiểm kém.
Do quá
trình thi tuyển kéo dài nên mãi đến học
kì 2 các lớp mới chính thức được
thành lập. Ba lớp chuyên cấp III được
“gửi tạm” tại trường PTTH Phan Châu Trinh
còn 2 lớp chuyên cấp II được gửi nhờ
ở trường PTCS Trưng Vương. Cả 2 bạn
cùng trường tôi là Thanh Nga và Trung đều
được nhận vào lớp chuyên Toán. Tôi buồn
nhưng có lẽ Ba tôi còn buồn hơn. Ông luôn tự
hào là cựu học sinh cấp 3 trường
Lê Khiết ở Quảng Ngãi trong thời chống
Pháp. Đây là trường cấp 3 duy nhất thời đó
dành cho học sinh của toàn bộ liên khu V
(từ Quảng Nam vào đến Phú Yên) và chỉ
có 2 lớp 8 và 1 lớp 9.
Ba tôi cũng là người thầy dạy toán đầu
tiên của tôi. Không phải là giáo viên nhưng
ông có một phương pháp rất đặc biệt là
dạy toán trong bống tối để tăng khả năng tư
duy trừu tượng. Hễ có thời gian là sau bữa
tối 2 ba con đạp xe ra sông Hàn ngồi hóng mát
và học toán khoảng 1 tiếng mới về. Sau
này các em tôi không đứa nào được ông đầu
tư nhiều thời gian như vậy. Vì vậy có
lẽ đây là lần đầu tiên tôi thấy ông thất
vọng vì tôi. Sau cái vấp đầu tiên này tôi
đã quyết tâm tu sửa đạo đức, ít nhất
là ở trường, để ba mẹ không phiền
lòng.
Cuối
năm học 1981-1982, sở giáo dục lại tổ chức
thi học sinh giỏi toàn tỉnh cho học sinh lớp
8. Có lẽ trên sở muốn kiểm tra chất lượng
của lớp chuyên sau một thời gian học tập.
Thành phần dự thi gồm có lớp chuyên
và đội tuyển các huyện và của
thành phố Đà nẵng. Do các học sinh giỏi
nhất tỉnh đã vào lớp chuyên toán
nên tôi được chọn vào đội tuyển 5
người của TP Đà
nẵng đi thi với các bạn
lớp chuyên. Lần đầu tiên trong đời được
chọn đi học luyện thi ở Phòng giáo dục của
thành phố nên tôi háo hức lắm. Tuy nhiên
đúng như đã đoán trước, tất cả các giải
đều lọt vào tay các bạn lớp chuyên. Tôi
thì chỉ làm được khoảng 50% vì nhiều
bài đọc đề còn chưa hiểu.
Nhưng
rất may cho tôi và các bạn trong đội tuyển TP
là kết quả của chúng tôi có lẽ cũng không
phải là quá kém. Kết quả là 4 người
trong đội tuyển (Thu Thủy, Quang Quân, Thành và
tôi) đã được chọn bổ sung vào lớp 9
chuyên toán trong năm học 1982-1983. Ba mẹ mừng lắm
nên đã quyết định thưởng cho tôi một
chiếc xe đạp để đi học. Tuy nhiên ba tôi bảo
làm con trai thì phải biết tự sửa xe,
mà muốn biết sửa xe thì phải biết lắp
xe. Hè năm đó ba dẫn tôi ra chợ Cồn mua toàn bộ
phụ tùng xe đạp về lắp và trong 1 tháng
hè tôi đã biết tháo ra rồi lại lắp
vào chiếc xe đạp đến 2 lần.
Năm học
1982-1983 có lẽ là một năm bản lề trong cuộc
đời học sinh của tôi. Tôi choáng ngợp vì
trước đó tôi chưa từng gặp nhiều bạn học
giỏi toán hơn mình đến như thế. Lần đầu
tiên trong đời tôi đã tự giác ngồi học
bài ở nhà buổi tối mà không cần ai
nhắc. Nếu như trước đó hễ có thời gian
rỗi là tôi xin ba mẹ đi tập bóng bàn thì
nay tôi đã có một niềm đam mê mới, đó là
môn Toán. Chủ nhiệm lớp tôi là thầy Huỳnh Hường. Tôi rất
biết ơn thầy Hường vì thầy là
người đầu tiên tạo cho tôi một niềm cảm
hứng khi học toán. Ngoài những bài giảng
trên lớp và những bài tập về
nhà rất hay có hệ thống, thầy còn tổ
chức phong trào thi đua tự ra đề và tự
tìm lời giải đẹp. Thời đó chưa có internet
nên nguồn tài liệu duy nhất là thư
viện và hiệu sách. Chúng tôi say sưa tìm
tòi, khám phá, tự động chia thành các nhóm học
tập để tìm ra những bài toán hay và lạ
nhất. Đến cuối năm lớp 9, chúng tôi đã gửi
lại thầy Hường một tuyển tập các
bài toán mà chúng tôi đã sưu tầm và sáng
tác trong suốt gần một năm. Lần đầu tiên
trong đời tôi được nhận học bổng trị
giá 100 nghìn đồng/tháng. Số tiền này hồi
đó to lắm vì tôi còn nhớ một bát „bún bò
giò heo” trước cửa nhà tôi giá chỉ từ
500 đến 1000 đồng.
Lớp
có 24 người nhưng chỉ có Lâm Tùng Giang và
Nguyễn Ngọc Văn Khoa là học giỏi nổi trội
hơn hẳn các bạn còn lại. Hai bạn này
đã được tham gia cuộc thi học sinh giỏi
Toán cấp II từ năm lớp 8. Ngoài ra còn rất
nhiều „cao thủ” khác như Trần Hữu Luyện (em
của anh Trần Hữu Huấn - giải ba Vật lý quốc
tế -1982), Nguyễn Hồ Anh Nguyên, Trần Quân, Nguyễn
Phú Quý, Đỗ Kim Luân, Lê Trung Hùng ... Vì là
học sinh bổ sung nên đầu năm lớp 9 tôi chỉ
là trung bình trong lớp và còn thua kém rất
nhiều nhóm dẫn đầu. Tuy nhiên vào đầu học
kỳ II, với sự giúp đỡ của thầy và bạn,
tôi thấy mình đã tiến bộ rất nhiều. Kỳ thi học sinh giỏi lớp
9 toàn tỉnh năm ấy, tôi rất hy vọng vì
tôi cảm thấy mình đã tiệm cận rất gần
đến „top 10”.
Nhưng
một lần nữa tôi lại phải nếm mùi thất
bại! Tôi chỉ làm được 2 trong 5 bài
và không được giải gì cả.
Năm đó
lớp tôi đã giành hết các giải. Tôi không hề
ngạc nhiên khi các bạn học giỏi nhất lớp
đạt thành tích cao, nhưng điều làm tôi cảm
thấy buồn là các bạn học ngang tầm với
tôi cũng được giải. Năm đó Giang, Khoa, Luyện,
Nguyên còn tham gia và được giải trong kỳ
thi học sinh giỏi Toán cấp II toàn quốc.
Hè
năm 1983 nhân dân tỉnh Quảng Nam Đà Nẵng hân hoan đón
nhận tin vui. Anh Trần Nam Dũng, học sinh lớp 11 chuyên
toán, đã đạt huy chương bạc olympic Toán quốc
tế đầu tiên cho tỉnh Quảng Nam Đà Nẵng.
Chúng tôi cũng mừng và ngưỡng mộ anh Dũng
lắm. Hè năm đó tôi thường xuyên đến
chơi nhà bạn Lê Tuấn, sát vách với
nhà anh Dũng, để thỉnh thoảng chiêm
ngưỡng con người đặc biệt này.
Năm học
1983-1984 chúng tôi vào học cấp III ở trường
PTTH Phan Châu Trinh và phải thi tuyển vào lớp
10 chuyên toán. Trong thời gian chờ đợi kết quả
thi tuyển chúng tôi được gửi tạm vào lớp
10/2 do thầy Võ Tiến làm chủ nhiệm. Do
nôn nóng nên ngày nào chúng tôi cũng hỏi thầy
đã có kết quả xét tuyển chưa. Có lần thầy
Tiến bực mình dọa chúng tôi là năm nay tỉnh
không tổ chức lớp chuyên nữa, các em nên tập
trung ở lại lớp 10/2 mà học đi. Trong thời
gian đó tôi chẳng muốn học hành gì cả. Thời
đó ở Đà nẵng bắt đầu xuất hiện khối
Rubik nên tôi lao vào tìm hiểu và luyện
tập. Kết quả là tôi đã biết quay rất
nhanh nhưng bài kiểm tra 1 tiết về logic
và lý thuyết tập hợp tôi đã bị xơi
con „ngỗng” đầu tiên trong đời học sinh.
Chờ
mãi đến đầu tháng 10 thì khối chuyên gồm
chuyên Toán, chuyên Lý, chuyên Hóa, chuyên Văn
và chuyên Anh mới được thành lập. Lớp
10 chuyên toán có 18 bạn, trong đó có 14 nam và 4 nữ
do thầy Nguyễn Cung Nghi làm chủ nhiệm.
Ngoài ra còn có thầy Phò và thầy
Xuyên dạy chúng tôi các môn Toán chuyên đề. Điều
mà cá nhân tôi sung sướng nhất là điểm 2 của
tôi ở lớp 10/2 đã không bị ghi vào học bạ.
Thời
gian này tôi đã vươn lên đứng thứ
9-10 trong lớp. Lâm Tùng Giang và Nguyễn Ngọc
Văn Khoa vẫn là 2 ngôi sao học giỏi nhất lớp
nên Giang được bầu làm lớp trưởng
còn Khoa làm bí thư chi đoàn. Chúng tôi hăng say giải
bài và nộp bài cho báo Toán học và Tuổi
trẻ. Các bạn lớp tôi liên tục được
đăng tên trong báo. Về sau này tôi mới biết
là Lâm Tùng Giang gửi bài nhiều đến mức
thỉnh thoảng phải dùng đến một cái
tên giả để gửi nhiều lời giải cho một
bài. Tôi cũng học tập các bạn và tham gia
giải bài. Tuy nhiên số bài tôi gửi không
nhiều vì tôi viết chữ xấu lại hay gạch
xóa nên hay ngại gửi lời giải ra tòa soạn.
Năm lớp
10 là năm chúng tôi vô tư và và vui vẻ nhất,
và một lần nữa bản năng hiếu động
và nghịch ngợm của tôi lại được phát
huy. Trò chơi chúng tôi mê nhất là đá bóng. Mặc
dù bác bảo vệ trường liên tục đuổi
bắt và thu bóng, nhưng bất kì giờ giải
lao nào dù 10-15 phút chúng tôi đều tranh thủ đá
bóng. Chúng tôi có 2 trận derby kinh điển không phân thắng bại
kéo dài suốt 3 năm cấp III. Thứ nhất là
trận nội bộ giữa đội cao và đội
lùn, trận derby thứ hai là giữa 2 lớp
chuyên Toán và chuyên Lý.
Hè
năm 1984 chúng tôi lại được đón nhận một tin vui.
Hai anh Nguyễn Văn Hưng (11CT) và Võ Thu Tùng(12CT)
đã giành thêm một giải nhì và một
giải ba Olympic toán quốc tế. Đây là lần duy nhất
từ trước tới nay Đà Nẵng đạt 2 huy
chương trong một kì thi Olimpic Toán quốc tế.
Vào
lớp 11, Sở Giáo dục đã mời được thầy
Ngô Thế Phiệt từ ÐHTH Huế vào dạy
và làm chủ nhiệm lớp chúng tôi. Thầy Phiệt
đã đưa vào lớp một phong cách học tập
mới hơi giống trên đại học. Thầy
đưa về hàng loạt tài liệu mà
trước đó chúng tôi không thể tìm được ở
TP Đà nẵng. Đó là các tạp chí và tuyển tập
toán nước ngoài của Nga, Ba lan, Hung-ga-ri. Mỗi
người trong chúng tôi đều tìm được cho
mình một vài dạng toán yêu thích. Tôi
còn nhớ Giang thì say mê về đa thức, Trần
Quân thích hình phẳng, Phú Quý thích hình giải tích,
Anh Nguyên và Hữu Luyện thì rất thích các
bài lý thuyết số và bất đẳng thức.
Riêng tôi thì say sưa nhất với toán rời rạc,
toán tổ hợp và lý thuyết đồ thị. Lần
đầu tiên được tiếp xúc với dạng
này nên tôi mê lắm. Tôi lục lọi các số
cũ của Toán học và Tuổi trẻ để nghiền
ngẫm về dạng toán này.
Năm đó
chúng tôi giúp nhau học tập bằng cách tìm nhiều
lời giải khác nhau cho một bài toán. Tôi cùng một
cặp với Phú Quý (đã mất năm 2004) để giải
các bài hình học. Và tôi rất phục Quý
vì không phải lúc nào lời giải hình giải
tích của Quý cũng dài hơn lời giải cổ
điển của tôi. Chúng tôi cũng liên tục gửi lời
giải cho báo Toán học và Tuổi trẻ. Trong cuộc
thi giải toán chào mừng các ngày lễ lớn
năm 1985 trường Phan Châu Trinh Đà Nẵng đã đạt
giải Ba trong các đơn vị có tổng số điểm cao
nhất (sau khối chuyên DHTH Hà Nội, và khối
chuyên DHSP Hà Nội). Riêng Lâm Tùng Giang
và Nguyễn Ngọc Văn Khoa đều được giải
đặc biệt cho học sinh có nhiều lời giải hay
nhất.
Chúng
tôi rất tự tin bước vào cuộc thi học
sinh giỏi toàn tỉnh năm 1985 và chọn đội
tuyển đi thi toàn Quốc. Năm đó lớp tôi rất
thành công. Trong đội tuyển 8 người của tỉnh
QNĐN lớp tôi đã chiếm 7 vị trí, người thứ
8 là anh Đinh Thành Pháp lớp 12CT. Tôi thì vừa
mừng và vừa buồn. Mừng vì lần đầu
tiên được giải ba toàn tỉnh nhưng buồn
vì không được chọn vào đội tuyển.
Theo các thầy nói lại thì năm đó tôi là người
đứng đầu trong những người bị loại.
Tuy học
rất hăng say nhưng chúng tôi vẫn không quên „chơi”.
Có những trận bóng căng thẳng đến mức giờ học
đã bắt đầu và thầy Phiệt đã
lên lớp chờ gần 10 phút mà vẫn không thấy
ai ngoài các bạn nữ. Hôm đó thầy bực mình
lắm. Thầy bắt cả lớp làm bản kiểm
điểm kể cả lớp trưởng và bí thư
chi đoàn, kể cả các bạn nữ vì tội
biết là đã hết giờ mà không gọi
các bạn nam lên lớp. Chúng tôi còn chơi cả
trong giờ học. Có những hôm, từ sáng đến chiều,
tôi và Trần Quân chơi cờ ca-ro trong giờ học
để so sánh cách đi trước của thằng nào hiệu
quả hơn.
Kể
từ năm 1985 sở Giáo dục đã quyết định mời
các thầy ở Hà nội vào dạy cho đội
tuyển. Năm đó tôi nhớ có thầy Văn Như Cương
và thầy Nguyễn Thu vào dạy, nhưng
vì không ở trong đội tuyển nên tôi không được
tham gia. Vì thiếu mất 7 cầu thủ đá bóng
nên đợt đó chúng tôi chuyển sang chơi một môn mới
là „banh bàn” có nghĩa là bóng bàn nhưng
lại dùng quả banh nhựa để chơi. Chúng tôi
dùng bàn học thay bàn bóng, dùng sách để
thay lưới và dùng
tay không để thay vợt. Chúng tôi chơi thua ra được
vào và có thể đánh đơn hoặc đánh đôi. Trò
chơi này chúng tôi tiếp tục đến hết năm lớp
12.
Năm đó
đội tuyển tỉnh QNĐN có 3 người được giải
là Giang, Nguyên và anh Pháp. Sau vòng thi chọn
đội tuyển Quốc gia thì chỉ còn mỗi
Lâm Tùng Giang được chọn
đi thi Quốc tế tại Phần lan. Năm đó một lần
nữa Lâm Tùng Giang đã đem thêm một tấm
huy chương bạc Olympic Toán quốc tế về cho tỉnh
QNĐN.
Sau thất
bại trên tôi bắt đầu thấy „cay mũi”. Tôi quyết
tâm năm sau phải cố gắng đạt giải trong kì
thi Toán toàn quốc. Tôi đã ra một kế hoạch
là trong thời gian các bạn học đội tuyển
tôi sẽ tranh thủ học hai môn Lý và Hóa để đảm
bảo thi đại học điểm cao. Môn Toán thì đã
có thầy Phiệt dạy trên lớp, môn Vật lý
là môn tôi rất thích nên tôi tự học được
còn môn Hóa thì tôi đi học thêm ở lớp của
cô Thúy dạy chuyên Hóa. Kỳ thi đại học hè
năm 1985 tôi có làm thử và nhờ các thầy cô chấm.
Kết quả dự đoán tôi được khoảng 26-27 điểm
vì vậy tôi thấy tự tin và có thể an tâm
chuẩn bị cho kì thi Toán toàn tỉnh và
toàn quốc năm 1986.
Cũng
hè năm 1985 tôi ra thăm Hà nội và được biết
thêm một thông tin là trong đội tuyển VN năm
1985 có bạn Huỳnh Minh Vũ và cũng giống
như Lâm Tùng Giang, bạn ấy cũng được
Huy chương Bạc. Nhưng một điều thú vị
tình cờ là ba của Vũ, ba của Giang
và ba của tôi lại học cấp III cùng nhau ở
trường Lê Khiết. Tôi có đến chơi và
chúc mừng Vũ và cũng hỏi han kinh nghiệm thi
cử. Trước khi vào TP Hồ Chí Minh học tiếng
Nga để đi du học Giang cũng cho tôi một số
tài liệu rất quý và bổ ích. Ngoài ra
Giang còn mách là có một em ở lớp 10
chuyên Nga có nhiều tạp chí KVANT cất ở
nhà.
Năm học
lớp 12 tôi được bầu làm lớp trưởng
thay Lâm Tùng Giang. Đây là lần đầu tiên tôi có
„chức” vì trước đó chưa bao giờ tôi được
bầu vào ban cán sự lớp, thậm chí làm tổ
phó. Nhờ có nhiều tài liệu và có sức khỏe
tốt nên tôi tiến bộ rất nhanh. Tôi đã đứng
đầu trong kì thi học sinh giỏi toán toàn tỉnh
năm 1986 và được chọn vào đội tuyển
tỉnh đi thi toàn Quốc. Mặc dù vậy tôi coi
kết quả cuộc thi toàn tỉnh là may mắn
vì thực lực tôi vẫn kém Khoa, Nguyên, Luyện
và có lẽ chỉ ngang hàng với khoảng 4 bạn
khác trong lớp. Năm 1986 trong đội tuyển của tỉnh
lớp tôi lại đóng góp 7 thành viên, người thứ
8 là Đinh Thành Việt (11CT).
Năm đó
thầy Đỗ Đức Thái vào dạy luyện thi cho đội
tuyển đi thi toàn quốc. Việc đầu tiên thầy
không cho chúng tôi gọi là thầy mà phải gọi
là anh. Tôi thực sự quý mến anh vì lòng
yêu nghề, sự gần gũi và khâm phục khả
năng sư phạm. Sau này tôi mới biết là anh
đã dạy chúng tôi gần hết giáo trình học kỳ
1 môn Giải tích của đại học. Nhờ có sự chuẩn
bị tốt và tập trung cao độ tôi cảm thấy
như năm lớp 12 tôi nắm rất rõ các bài giảng
của các thầy và còn dễ dàng tổng
quát phát triển các bài đó. Ngoài ra tôi đã học
được khả năng tự đánh giá lời giải của
bản thân và cũng biết kỹ thuật trình
bày lời giải một cách gọn gàng, sáng sủa.
Kỳ
thi toán toàn quốc năm đó đội tuyển tỉnh QNĐN có
6 người được giải. Tôi làm không được
tốt lắm và chỉ được giải ba
toàn quốc, nhưng tôi cũng rất mừng với
cái giải toàn Quốc đầu tiên trong đời. Năm
đó cũng là năm đầu tiên kì thi chọn đội
tuyển được tổ chức ở 2 nơi: miền
Bắc thi ở Hà Nội, miền Nam thi ở TP Hồ
Chí Minh. Chúng tôi vào Sài gòn với một hy vọng
là một trong 6 thằng sẽ được chọn
vào đội tuyển toàn quốc để tiếp tục
truyền thống của khối chuyên tỉnh QNĐN.
Người chúng tôi hy vọng nhất là Nguyễn Ngọc
Văn Khoa vì Khoa đã có kinh nghiệm thi cử và
là người có vốn kiến thức cao hơn hẳn
5 thằng còn lại.
Lần
đầu tiên vào Sài gòn tôi thấy cái
gì cũng lạ nhưng chúng tôi không được đi
chơi ở đâu cả. Điều tôi nhớ nhất là
đó là lần đầu tiên tôi nằm ngủ mà
không phải mắc màn. Đây không phải lần đầu
tiên đi thi vì trước đó, ngoài những kỳ
thi học sinh giỏi tôi đã từng thi đấu ở giải
vô địch bóng bàn toàn quốc ngành Đường
Sắt, vả lại ở lần thi này không ai trông đợi
vào kết quả của tôi cả. Mặc dù
không bị sức ép nhưng kể cả trước đó
và sau này chưa bao giờ tôi thấy hồi hộp
và lo lắng trước giờ thi như vậy. Buổi
sáng của ngày thi thứ nhất tôi cảm thấy
tim đập mạnh, tay chân bủn rủn và có một
luồng điện chạy qua xương sống. Phải mất
khoảng 20’ hít thở sâu tôi mới trấn tĩnh trở
lại. Ngày thứ nhất tôi làm được trọn
vẹn 2 bài trên tổng số 3 bài. Sau khi thảo
luận với nhau chúng tôi biết là bài số 3
rất khó, không ai trong miền Nam làm được.
Ngày
thi thứ hai tôi đã chủ động dậy sớm
hơn để tập hít thở sâu. Tuy nhiên cũng giống
như hôm trước, tôi lại bị hồi hộp
và bị một dòng điện chạy qua sống
lưng ở ngay trước phòng thi. Tôi lại phải
mất mấy phút mới trấn tĩnh được. Mặc
dù không phải là người mê tín nhưng
cho đến bây giờ tôi vẫn tin là hai hôm đó tôi
đã được một sức mạnh vô hình
nào đó tiếp sức. Sau khi mở bài thi tôi
đã không tin được vào mắt mình.
Bài số hai của ngày thứ hai là một
bài dạng bất biến trên bàn cờ. Tôi
đã đọc nhiều về dạng này trong tạp
chí Toán học& Tuổi trẻ, đã luyện tập rất
nhiều dạng toán này và đã tự nghĩ
ra nhiều loại bất biến mới, thậm chí
còn đủ khả năng để nghĩ ra một vài
bài toán khó trong dạng này. Chỉ mất 30 phút
tôi đã làm xong bài số 2. Trong thời gian
còn lại tôi chỉ làm thêm được một
bài nữa. Như vậy sau 2 ngày thi tôi đã
làm được 4 bài và qua trao đổi với
các bạn khác tôi biết là nếu không bị nhầm
lẫn thì tôi là người làm tốt nhất
ở miền Nam.
Hôm về
đến Đà Nẵng thầy Phiệt có hỏi cả
đoàn về cuộc thi. Khi đọc đề thi và biết
tôi làm được 4 bài thầy nói thế thì
em chắc chắn được chọn rồi. Tuy vậy
tôi biết là khả năng mình được chọn
rất mong manh vì qua báo Toàn học và Tuổi
trẻ tôi biết các bạn ở miền Bắc năm đó rất
giỏi. Những cái tên như Phùng Hồ Hải,
Cao Vi Ba, Nguyễn Hữu Tuấn, Đặng Vũ Sơn, Nguyễn
Quảng Cường, Nguyễn Thế Cường của
khối chuyên toán A0 ĐHTH Hà Nội, và Ngô
Hoàng Huy, Phạm Quốc Cường, Hà Anh Vũ,
Nguyễn Phương Tuấn, Nguyễn Quang Thái, Lê
Thanh Nam ở khối chuyên toán của ĐHSP Hà Nội
đã rất nổi tiếng trong báo hồi đó và cho
đến bây giờ vẫn là những tấm
gương sáng của tôi về niềm say mê học
toán.
Năm đó
lại có tin đồn là do khó khăn tài chính nên
chưa chắc nhà nước đã cử đoàn
đi thi IMO. Sau này chúng tôi mới đó là tin đồn có
sơ sở vì năm đó Việt nam đã không cử học
sinh đi thi Vật lý quốc tế. Rất may đội tuyển
thi Olympic Toán quốc tế vẫn được đi.
Sau khoảng
1 tháng thì chúng tôi mới biết kết quả tuyển
chọn. Vào một buổi trưa tháng tư, bác tôi ở
Hà nội gọi vào báo là hình như
đã có kết quả chính thức và nghe nói đội
tuyển năm nay có một học sinh ở Đà nẵng.
Vì quá hồi hộp và xúc động nên đó
là lần đầu tiên trong suốt 3 năm học cấp
III tôi đã không xuống chơi bóng với các bạn. Giờ
Toán chiều hôm đó tôi còn nhớ thầy Phiệt bước
vào lớp và nhìn tôi tủm tỉm cười.
Sau khi thầy chính thức thông báo việc tôi đã được
chọn vào đội tuyển quốc gia thì tôi
đã gần như không còn nghe thấy gì nữa.
Chỉ biết là thầy và tất cả các bạn
đều òa lên sung sướng chúc mừng.
Đội
tuyển năm 1986 gồm có 4 bạn lớp 11 là
Phùng Hồ Hải, Nguyễn Tuấn Trung (khối
chuyên toán ĐHTH Hà Nội) Hà Anh Vũ, Nguyễn
Phương Tuấn (khối chuyên toán ĐHSP1 Hà nội)
và 2 bạn lớp 12 là Đoàn An Hải (trường
chuyên Phan Bội Châu) và tôi. Cũng như những năm trước
đó, chúng tôi được gọi ra Hà nội tập huấn
khoảng 2 tháng trước khi đi thi. Địa điểm tập
trung là trường ĐHSP1 Hà Nội. Chúng tôi được
phân một phòng ngủ và một phòng học
và được hưởng một chế độ ăn uống
đặc biệt do nhà ăn của trường ĐHSP nấu.
Lần đầu tiên tôi được học với nhiều
thầy giáo dạy chuyên toán nổi tiếng như vậy.
Ngoài anh Đỗ Đức Thái tôi đã gặp trước
trong Đà nẵng cón có thầy Nguyễn Văn Mậu, thầy
Thanh Sơn, thầy Long, thầy Nguyễn Đăng Phất, anh
Nguyễn Minh Đức, anh Lê Hải Khôi.
Sau một
tuần thì tôi nhận ra cả 4 bạn Hà nội
đều học giỏi hơn Đoàn An Hải và tôi.
Nhiều bài giảng và bài tập của các
thầy đều là mới với tôi nhưng với các
bạn Hà nội lại là những dạng
bài tập quen thuộc. Nếu như trước đó
mong được chọn vào đội tuyển bao
nhiêu thì lúc này tôi lại lo lắng bấy
nhiêu. Tôi cũng biết mình đã rất may mắn
khi được chọn vào đội tuyển. Vì vậy
tôi lo không biết mình có đủ khả năng đại diện
cho lớp, cho trường, cho tỉnh và cho quốc
gia trong kì thi sắp tới hay không. Tôi đã học
say sưa như chưa bao giờ được học. Năm đó
có giải World Cup ở Mexico nhưng tôi đã quyết
không xem để có thêm nhiều thời gian học
và theo kịp các bạn trong đội tuyển. Trận
duy nhất tôi được xem là trận chung kết giữa
Argentina và CHLB Đức vài ngày trước
ngày chúng tôi lên đường tham dự IMO lần thứ
27 tại Ba lan. Chỉ trong thời gian 2 tháng tôi thấy
mình đã học được nhiều hơn so với
suốt một năm trước đó.
Trưởng
đoàn của chúng tôi năm đó là thầy Đoàn Quỳnh
và phó đoàn là thầy Nguyễn Văn Mậu.
Hà Anh Vũ đã suất sắc lập thành
tích đạt huy chương vàng. Đoàn Việt nam đứng
thứ 10 toàn đoàn (1 vàng, 2 bạc và 2 đồng).
Mặc dù rất mừng với giải nhì của
mình, nhưng cho đến bây giờ tôi vẫn còn rất
hối hận vì đã làm mất 2 điểm của
bài 4 (quỹ tích) và 1 điểm của bài 5
(phương trình hàm) do quên không xét một số
trường hợp đặc biệt. Nếu không bị những
lỗi ngớ ngẩn này thì năm đó Việt nam
đã lên vị trí thứ 9.
Các
thành viên của đội tuyển quốc gia được
đặc cách tốt nghiệp phổ thông trung học và
được nhà nước phân công đi học đại học
ngành Toán ở nước ngoài. Phùng Hồ Hải
và Nguyễn Phương Tuấn được đi
Liên xô (cũ), Hà Anh Vũ và Đoàn An Hải
đi Hungari còn Nguyễn Tuấn Trung và tôi đi Ba lan.
Với
hành trang kiến thức học được của các
thầy và các bạn, tôi đã tự tin đến với
Toán học như thế đó.